Sáng 26/1, Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) - chi nhánh phía Nam tổ chức tổng kết hoạt động trong năm 2023.
Nguồn thu từ các website, ứng dụng nghe nhạc chiếm đến hơn 260 tỷ đồng trong tiền tác quyền VCPMC thu được năm 2023
Hiện VCPMC có 5.800 nhạc sĩ thành viên, mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác song phương với các tổ chức tập thể quyền của nhiều quốc gia trên thế giới.
Năm 2023, tổng số tiền tác quyền VCPMC thu được (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) là khoảng 344 tỷ 121 triệu đồng. Trong đó, nguồn thu tại Việt Nam, tăng khoảng 29% so với năm 2022; vượt 10% so với chỉ tiêu đề ra.
Một số lĩnh vực có nguồn thu lớn như: sao chép demo, trực tuyến (hơn 13 tỷ đồng), biểu diễn, hòa nhạc trực tiếp (hơn 14,9 tỷ đồng), truyền hình mặt đất (hơn 9,3 tỷ đồng); website, ứng dụng nhạc (hơn 260 tỷ đồng), từ các tổ chức tập thể quyền CMO quốc tế (hơn 14, 8 tỷ đồng)…
Trong năm qua, VCPMC thực hiện chi trả tiền tác quyền cho các tác giả 4 lần, với tổng số tiền hơn 305 tỷ đồng. Số tiền chi trả cho tác giả ở quý IV/2023 sẽ được trao trước Tết Nguyên đán 2024.
Một số khó khăn được VCPMC chỉ ra: nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn trì hoãn việc trả tiền tác quyền; lạm dụng cơ chế thỏa thuận để làm mờ đi quyền “độc quyền” của tác giả, né tránh nghĩa vụ, gây khó khăn, tốn kém về chi phí xử lý, thời gian, nhân lực của VCPMC.
Điển hình như vụ ở show Blackpink, Mắt biếc - Tình ca Ngô Thuỵ Miên, BamBam the 1st World Tour Area 52 kéo dài thỏa thuận nhưng đã trả tiền tác quyền trước giờ biểu diễn. Còn các show Mây Sài Gòn, Mây Lang Thang (Đà Lạt, Hà Nội), Lululola… không thiện chí trả tiền tác quyền, hiện bộ phận pháp lý đang lập hồ sơ khởi kiện. Theo đó, vì những khó khăn này thì nguồn thu tác quyền từ biểu diễn vẫn thấp, chỉ chiếm 4% tổng nguồn thu của VCPMC.
Show Blackpink tại Hà Nội vào tháng 7/2023 lùm xùm về việc trả tiền tác quyền trước giờ diễn
Nguồn thu tác quyền từ các lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, cà phê, khách sạn vẫn chưa khôi phục sau đại dịch. Bên cạnh đó, nhiều công ty tự ý đứng ra bảo đảm về bản quyền nhằm mục đích thu lợi nhuận từ việc kinh doanh, phân phối bản ghi, khiến cho hoạt động cấp phép gặp trở ngại… Vì thế, nguồn thu từ lĩnh vực này hiện chỉ chiếm 5%, rất thấp so với trước đây là 30%.
Hiện nay, vẫn còn nhiều đơn vị truyền hình trả tiền chưa thực hiện nghĩa vụ, chậm trễ việc thỏa thuận tiền, gây khó khăn cho VCPMC… Trong 2 năm qua, tỉ trọng thu từ nhóm này rất thấp, dao động 1,5% - 3%.
Lưu lượng sử dụng các sản phẩm âm nhạc trên nền tảng kỹ thuật số, mạng xã hội đang ngày càng gia tăng, đòi hỏi nâng cao hiệu quả của hoạt động xử lý dữ liệu. VCPMC cùng các tổ chức trong khu vực do JASRAC (Hiệp hội Quyền của Tác giả, Nhà soạn nhạc và Nhà xuất bản Nhật Bản) chủ trì đang lên kế hoạch xây Hệ thống trao đổi dữ liệu.
Việc VCPMC ký kết hợp tác với các nền tảng: YouTube, Facebook, TikTok, Apple, Spotify... cũng nhằm xây dựng kênh âm nhạc dành riêng cho từng nhạc sĩ, tối đa hóa nguồn thu từ việc khai thác tác phẩm, thu tiền thù lao từ việc khai thác bản ghi do chính nhạc sĩ đầu tư sản xuất; đồng thời rà soát, phát hiện các trường hợp xâm phạm quyền tác giả, phổ biến trên môi trường kỹ thuật số…
VCPMC đã đưa ra tòa án và cơ quan nhà nước để giải quyết 34 vụ kiện xâm phạm quyền tác giả, tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, tranh chấp hợp đồng. Đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 20 trên tổng số 40 vụ việc được giải quyết.
VCPMC tăng cường hợp tác với các nền tảng số để bảo vệ quyền cho các tác giả, tối đa hóa nguồn thu tác quyền
Ở lĩnh vực phát hành trực tuyến thì tăng tốc xác nhận quyền, đối soát tác phẩm, rà soát việc sử dụng nhạc trên các nền tảng trực tuyến để thu/truy thu; tập trung cấp phép khai thác ở lĩnh vực này, nhằm phù hợp với tình hình, xu hướng hiện nay, bù cho những lĩnh vực bị giảm sút.
VCPMC tiếp cận và ứng dụng công nghệ thành công trong lưu trữ, đối soát dữ liệu và truyền thông. Đồng thời, VCPMC phối hợp với các tổ chức quốc tế giúp quyền lợi của tác giả Việt Nam cũng được quản lý, bảo vệ tại 86 tổ chức quản lý tập thể quyền ở 154 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Cùng với hoạt động bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, VCPMC cũng có nhiều hoạt động kết nghĩa, giao lưu thúc đẩy sáng tạo…
Theo kế hoạch và yêu cầu của Liên đoàn Quốc tế Các hiệp hội tác giả và nhà soạn nhạc - CISAC, VCPMC sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị CISAC toàn cầu tại Việt Nam vào cuối năm 2025.
Trung Sơn