Vi phạm bản quyền nói chung và trong lĩnh vực văn học nghệ thuật nói riêng vẫn là một vấn nạn. Việc ngăn chặn vi phạm bản quyền trên môi trường số là “cuộc chiến” phức tạp và khó khăn.
Một trang web bóng đá lậu. Ảnh: SCS.
Tràn lan vi phạm
Đến nay, Việt Nam đã tham gia 7/8 Điều ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 17/2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan. Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh toàn cảnh của bản quyền cùng sự phát triển của internet, các nền tảng số, mạng xã hội hiện nay, những vấn đề liên quan tới bản quyền trên không gian mạng lại càng trở nên phức tạp, khó kiểm soát.
Mới đây, trong khảo sát của Liên minh chống vi phạm bản quyền châu Á - CAP, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ cao về vi phạm bản quyền qua dịch vụ phát nội dung online, mạng xã hội hay tin nhắn trực tuyến. Trong đó, 41% vi phạm qua nền tảng mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin. Tỷ lệ sử dụng các nền tảng vi phạm bản quyền cũng chiếm tới 61%.
Việc vi phạm bản quyền trên môi trường số đã và đang diễn ra công khai trên nhiều nền tảng. Những hành vi vi phạm bản quyền phổ biến là livestream, phát trực tiếp trên mạng xã hội, website; sao chép nguyên trạng nội dung đã phát; cắt ghép, chỉnh sửa các video… sau đó đăng tải trái phép lên internet.
Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam Quản Văn Minh cho biết, các đối tượng quay lén không đưa toàn bộ nội dung hay những đoạn dài lên các hội, nhóm như trước kia mà cắt thành nhiều clip ngắn. Đáng chú ý, hầu hết tài khoản đăng tải phim quay lén đều là tài khoản mới lập. Có hàng trăm tài khoản như vậy cùng đăng tải những video ngắn liên quan tới phim lên mạng dù không được phép của nhà sản xuất. Người xem chỉ cần lướt qua các phân đoạn đó là gần như đã nắm rõ nội dung chính của bộ phim. Điều này gây tổn hại rất lớn đến quyền lợi của đơn vị sản xuất phim.
Trong lĩnh vực âm nhạc, theo thống kê của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, số lượng vụ xâm phạm bản quyền hay quyền tác giả đang có xu hướng tăng. Hình thức vi phạm cũng càng ngày càng đa dạng, từ sử dụng tác phẩm không xin phép trong các MV, các ứng dụng nghe nhạc trực tuyến, đến biểu diễn trong các các buổi mini concert, liveshow… Cách thức vi phạm cũng ngày càng phức tạp, từ sử dụng nguyên tác phẩm mà không xin phép đến việc cắt, ghép, xử lý lại tác phẩm gốc để tránh bị phát hiện.
Trách nhiệm không của riêng ai
Việc vi phạm bản quyền gây tổn thất nặng nề cho nhà sản xuất, các tác giả và ảnh hưởng đến môi trường văn hóa trong quá trình hội nhập. Cuối tháng 1/2024, công an tỉnh Quảng Bình đã khởi tố, bắt giữ nhóm điều hành trang phim lậu Bilutv.net. Các đối tượng này thuê máy chủ lưu trữ phim đặt tại nước ngoài, rồi dùng các công cụ như điện thoại, máy tính bảng, laptop phát tán phim từ năm 2019 tới nay. Tính trung bình mỗi tháng các đối tượng thu từ 80 - 100 triệu đồng tiền quảng cáo nhờ nội dung lậu…
Không chỉ dừng lại ở những vi phạm bản quyền, nhiều trang web lậu còn là ổ cờ bạc trực tuyến, cá độ bóng đá, lôi kéo rất nhiều người tham gia. Giải vô địch bóng đá châu Âu 2024 (EURO 2024) và Giải vô địch bóng đá Nam Mỹ 2024 (Copa America 2024) là 2 sự kiện đang nhận được sự quan tâm của khán giả Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Chỉ cần gõ từ khóa “xem bóng đá online” trên thanh công cụ tìm kiếm của Google, lập tức có trên 33 triệu kết quả trả về chỉ trong 0,32 giây. Điều đáng nói là rất nhiều website trong số này dù không có bản quyền nhưng có thể phát sóng hầu hết các trận đấu. Đi kèm với phát lậu, những website này còn ngang nhiên quảng cáo cá độ rầm rộ để lôi kéo người chơi.
Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) Phạm Thị Kim Oanh cho rằng, dù đã có nhiều nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý, thực thi, nhưng tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường kỹ thuật số ở Việt Nam vẫn đang diễn ra ngày càng phức tạp.
Theo bà Oanh, rất khó xác định và xử lý hành vi vi phạm trên môi trường số, đặc biệt là các trường hợp có yếu tố nước ngoài. Ngoài ra vẫn còn nhận thức chưa đầy đủ của cá nhân, tổ chức về vai trò của quyền tác giả, quyền liên quan, ý thức chấp hành pháp luật chưa cao của không ít cơ quan, tổ chức và cá nhân. Vẫn còn nhiều đối tượng vì lợi ích cá nhân mà ngang nhiên xâm hại tới quyền lợi hợp pháp của tác giả. “Việc xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan còn hạn chế, chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa; việc phối hợp giữa các cơ quan thực thi chưa hiệu quả”- bà Oanh nhấn mạnh.
Các chuyên gia quốc tế cho rằng, việc ngăn chặn vi phạm bản quyền trên môi trường số là cuộc chiến hết sức phức tạp và khó khăn. Vì vậy, cần nhiều giải pháp, trong đó có việc nâng cao nhận thức và kiên quyết ngăn chặn, gỡ bỏ những trang web vi phạm.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, vi phạm bản quyền trong thời đại kỹ thuật số chủ yếu thể hiện ở 2 phương thức: Nhà điều hành các trang web bất hợp pháp và người dùng bất hợp pháp. Nhiều người đặt câu hỏi, vì sao không thể ngăn chặn những trang mạng vi phạm bản quyền của văn nghệ sĩ? Phải chăng do sự phát triển vượt bậc của công nghệ nên khó chặn và khó theo dõi các trang web bất hợp pháp? Có lẽ cần nhiều giải pháp như một chiến lược tổng thể, trong đó không thể thiếu việc liên kết với các tổ chức quốc tế.