Nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), sáng 10/12, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo với chủ đề “Văn học nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam - 80 năm đồng hành sáng tạo”.
PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch Chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; PGS. TS, Nhà văn Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có các đại biểu đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ quốc phòng, các đoàn thể hữu quan cùng lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, lãnh đạo các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, một số lãnh đạo các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, các văn nghệ sĩ, các nhà khoa học đang nghiên cứu, quản lý, giảng dạy tại các cơ sở nghiên cứu, đào tạo về Văn học nghệ thuật.
Toàn cảnh Hội thảo “Văn học nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam - 80 năm đồng hành sáng tạo”.
Dòng chủ lưu của văn nghệ cách mạng Việt Nam
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Đỗ Hồng Quân cho biết, chỉ sau 4 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam - 22/12/1944 (tiền thân là Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân), đến tháng 7 năm 1948, tại chiến khu Việt Bắc, Hội Văn nghệ Việt Nam ra đời (tiền thân là Hội văn hoá cứu quốc) do Bác Hồ sáng lập. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các thế hệ văn nghệ sĩ được tôi luyện qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc đã trưởng thành, lớn mạnh trong thời kỳ Đổi mới, luôn gắn bó với Đảng, với Nhân dân, đồng hành cùng Dân tộc.
Theo PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, trong hàng ngàn tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị trong suốt 80 năm qua, một mảng đề tài rất quan trọng, chiếm vị trí nổi bật, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật to lớn chính là những tác phẩm thuộc nhiều loại hình như văn học, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh, múa, mỹ thuật…, viết về đề tài lực lượng vũ trang nhân dân, về anh bộ đội Cụ Hồ.
“Hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ không chỉ là kết tinh phẩm chất cao quý của người lính: dũng cảm, hi sinh, tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân, mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước, chủ nghĩa nhân văn cao cả; tình đoàn kết, gắn bó keo sơn Quân - Dân, khát vọng Độc lập - Tự do. Hình mẫu nhân cách bộ đội Cụ Hồ là nền tảng xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, bách chiến - bách thắng.
Đây chính là cánh đồng đề tài rộng lớn, nguồn cảm hứng bất tận để cho các thế hệ văn nghệ sĩ sáng tạo, cho ra đời nhiều tác phẩm, công trình có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật gắn liền với truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, góp phần làm giàu thêm dòng chủ lưu của văn nghệ cách mạng Việt Nam, ghi dấu ấn sâu đậm vào nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhấn mạnh.
Trên cơ sở đường lối văn hoá, văn nghệ của Đảng và thực tiễn sáng tác, quảng bá, nghiên cứu, lý luận phê bình về đề tài lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam (bộ đội chính quy, bộ đội địa phương, tự vệ, du kích) với thế trận quốc phòng toàn dân ở Việt Nam từ năm 1944, qua các giai đoạn cách mạng và sự phát triển của văn học nghệ thuật hiện nay, Hội thảo nhằm khẳng định những thành tựu đã đạt được; nhận rõ những hạn chế, vướng mắc còn tồn tại, tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng sáng tác, huy động lực lượng văn nghệ sĩ trau dồi tích lũy vốn sống, đi sâu vào đề tài này để có những tác phẩm có giá trị tư tưởng về nghệ thuật cao hơn nữa, xứng đáng với truyền thống anh hùng của quân và dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Văn học nghệ thuật gắn bó, đồng hành với các lực lượng vũ trang và dân tộc
Các tham luận tại Hội thảo đã tập trung làm rõ sự gắn bó, đồng hành với các lực lượng vũ trang và dân tộc trong suốt 80 năm qua của lực lượng văn nghệ sĩ Việt Nam qua tất cả các chuyên ngành và các thể loại nghệ thuật với những sáng tác có giá trị, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, có chất lượng nghệ thuật, phục vụ kịp thời và có ý nghĩa lâu dài, lan toả trong công chúng trong và ngoài nước.
Tại Hội thảo, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết, sau khi Hội Văn nghệ Việt Nam được thành lập năm 1948, văn nghệ sĩ nô nức tòng quân lên đường tham gia các chiến dịch. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, một lớp thi sĩ mới xuất hiện đã mang đến vẻ đẹp rõ ràng, khỏe khoắn và mới mẻ cho thơ ca kháng chiến và điều bất ngờ là những bài thơ đầy sinh khí ấy lại xuất hiện sớm nhất ở những vùng chiến sự ác liệt nhất.
“Chiến tranh nhân dân và người lính cách mạng trở thành đề tài trung tâm của văn học ta. Thơ ca kháng chiến lớn lên cùng với sự lớn lên của đất nước. Với thời gian, đề tài về người lính càng ngày càng được làm sâu sắc thêm trong ba mối quan hệ: Tình yêu nước, tình đồng đội và tình quân dân”, nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh.
Được kế thừa một nền thơ khá cao của văn học chống Pháp, bước vào giai đoạn chống Mỹ, theo nhà thơ Hữu Thỉnh, thơ ca vẫn là lĩnh vực đi tiên phong, bắt nhạy với hiện thực mới đồng thời với sự kết tinh mới. Giàu khát vọng, năng nổ tìm tòi, phát hiện, mở rộng đề tài, chủ đề, huy động và chuyển hóa tối đa các chi tiết đời thường thành hình tượng nghệ thuật, đề cao ý thức công dân và trách nhiệm xã hội được xem là dấu ấn thế hệ của các nhà thơ thời kỳ này.
Nhà thơ Hữu Thỉnh tham luận về đề tài thơ ca kháng chiến.
Sau khi chiến tranh kết thúc, một loạt trường ca ra đời vừa mang tính tổng kết chiến tranh, khép lại một chặng đường, vừa mở ra một chặng đường mới cho sự phát triển của thơ ca khi đất nước bước vào hai cuộc chiến tranh biên giới và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Có thể thấy, trường ca của những tác giả Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Thi Hoàng, Anh Ngọc, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Nhuận Minh, Trần Anh Thái, Y Phương… chứa đựng tính sử thi và chất trữ tình kết hợp nhuần nhuyễn với tính bình luận và triết luận tạo nên một tổng phổ phức hợp cho mỗi tác phẩm.
PGS. TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết, hàng năm trong các đợt phim chào mừng kỷ niệm những ngày Lễ lớn, nhiều bộ phim về đề tài chiến tranh và người lính đã từng sản xuất và phát hành phổ biến hàng chục năm trước đây được chiếu lại như: Hoa Ban đỏ (1994), Biệt động Sài Gòn (1986), Hà Nội 12 ngày đêm (2002), Ký ức Điện Biên (2004), Đường thư, Giải phóng Sài Gòn, Dòng sông phẳng lặng (2005), Đừng đốt (2009), Mùi cỏ cháy (2012), Những người viết huyền thoại (2013), Sống cùng lịch sử (2014)... luôn mang lại những cảm xúc sâu lắng và thu hút đông đảo người xem, đặc biệt là nhiều khán giả trẻ.
“Những bộ phim đó không chỉ là câu chuyện về sự hy sinh, lòng dũng cảm và phẩm chất của người lính, mà đó còn là một bức tranh sống động về những chiến công thầm lặng của Quân đội nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ”, PGS. TS Đỗ Lệnh Hùng Tú nhận định.
Để tiếp tục sản xuất những bộ phim về đề tài này, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam đề nghị cần tháo gỡ một số bất cập, vướng mắc trong việc đầu tư công cho hoạt động điện ảnh, đặc biệt là việc đầu tư chi phí cho quảng cáo phim và khâu phát hành phổ biến phim. Đồng thời, cần tổ chức nhiều cuộc thi kịch bản, trại sáng tác theo từng chủ đề với các đối tượng tác giả có uy tín... và khắc phục tình trạng trao giải, nghiệm thu xong lại đành “xếp vào ngăn kéo” chờ thời.
PGS. TS Đỗ Lệnh Hùng Tú khẳng định sức sống của các tác phẩm điện ảnh về đề tài người lính.
Cùng với các chuyên ngành văn học nghệ thuật khác, sân khấu Việt Nam cũng có lịch sử hình thành và phát triển gắn bó với các lực lượng vũ trang nhân dân. Đạo diễn, nhà viết kịch Hoàng Thanh Du khẳng định, ngay từ Cách mạng tháng Tám, các văn nghệ sĩ sân khấu đã có những sáng tác có giá trị, phong phú về nội dung, có chất lượng, phục vụ tuyên truyền kịp thời và có ý nghĩa lâu dài, làm thành những cột mốc vững chãi, những nền tảng cho sân khấu Việt Nam phát triển.
“Hình tượng bản chất người lính Cụ Hồ từ vệ quốc quân 1944 đến hôm nay 2024, khi những chiến sĩ - sĩ quan của Quân đội nhân dân thực hiện nhiệm vụ Quốc tế có mặt tại tâm điểm nóng của thế giới mang tính tích cực, luôn là chủ đề xuyên suốt tư tưởng của các tác phẩm Sân khấu, thấm đẫm trong các vở diễn Sân khấu ở các thể loại như Tuồng, Chèo, Cải lương, Kịch nói và kể cả Múa rối - Xiếc…”, đạo diễn, nhà viết kịch Hoàng Thanh Du cho hay.
Đạo diễn, nhà viết kịch Hoàng Thanh Du nhắc lại lịch sử hình thành và phát triển gắn bó với các lực lượng vũ trang nhân dân của sân khấu Việt Nam.
Trong tham luận của mình, NSNA Hoàng Kim Đáng đã nhắc lại một số tấm gương tiêu biểu của đội ngũ những người cầm súng, cầm máy ảnh trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc để có được những bức ảnh quý giá về đề tài chiến tranh cách mạng. Theo ông, để có tác phẩm, đoàn quân báo chí và những phóng viên ảnh ngày ấy đã phải bám sát cuộc chiến, đã không tiếc máu xương của mình để ghi tại trận những hình ảnh sinh động, lưu giữ lại những hình ảnh sinh động, thời sự và nghệ thuật chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
NSNA Hoàng Kim Đáng đã nhắc lại một số tấm gương tiêu biểu của đội ngũ những người cầm súng, cầm máy ảnh trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
NSNA Hồ Sỹ Minh cũng khẳng định: “Nhiếp ảnh Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, có vinh dự lớn lao ghi lại hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ trong các chiến dịch. Qua đó, hình ảnh anh bộ đội bao giờ cũng lạc quan, yêu đời và hăng say dũng cảm chiến đấu cho nền độc lập tự do của Tổ quốc, không ngại hy sinh gian khổ và trở thành một hình tượng không bao giờ phai nhạt trong tâm trí của nhân dân Việt Nam. Có thể thấy, nhiếp ảnh đã góp phần ghi lại, lưu giữ tư liệu chứng minh sắc bén cho quân và dân Việt Nam anh dũng, đoàn kết, mưu trí, kiên cường chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược”.
NSNA Hồ Sỹ Minh khẳng định vai trò của nhiếp ảnh Việt Nam.
Còn đối với lĩnh vực âm nhạc, nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu nhận định, đề tài người lính vô cùng phong phú về số lượng, thể loại và hình thức trong lĩnh vực thanh nhạc cũng như khí nhạc. Từ tình cảm yêu thương, trân trọng và ngưỡng mộ người lính, các nhạc sĩ Việt Nam đã dành cho chủ đề này nhiều cảm xúc và sức sáng tạo. Đây là sự tôn vinh dành cho Quân đội nhân dân Việt Nam, cho các chiến sĩ đã và đang cống hiến trọn đời trong sự nghiệp bảo vệ đất nước, là niềm tự hào cho gia đình và những người thân của các chiến sĩ.
Nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu tham luận về tượng đài người lính trong âm nhạc.
Để tiếp tục làm đẹp thêm cho tượng đài người lính và tiếp tục có thêm nhiều sáng tác âm nhạc mang chất lượng nghệ thuật cao trong tương lai, Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho đề nghị cần xây dựng lý thuyết âm nhạc Việt Nam để tạo ra những nền tảng vững chắc và giúp tạo ra những tác phẩm âm nhạc sáng tạo và độc đáo, từ đó giúp chúng ta phát triển khả năng sáng tác và biểu diễn nhạc phẩm một cách chuyên nghiệp.
Đại tá, nhạc sỹ Doãn Nho đề nghị cần xây dựng lý thuyết âm nhạc Việt Nam.
Thúc đẩy sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật đề tài lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam
Văn học nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam trong 80 năm qua là một dòng chảy mạnh mẽ, quan trọng hàng đầu trong văn học nghệ thuật và rộng hơn là văn hóa Việt Nam.
Để định hướng sáng tác và tổ chức sáng tác cũng như quảng bá, xây dựng hình tượng “Bộ đội Cụ Hồ” trong tác phẩm văn học nghệ thuật có hiệu quả, Đại tá, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy, Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cho rằng cần nhận diện hình tượng “Bộ đội Cụ Hồ” giai đoạn hiện nay để sáng tác có cảm xúc chân thực hơn.
“Hình tượng ‘Bộ đội Cụ Hồ’ hôm nay đang được xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Việc phát huy các giá trị văn hóa trong xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao xây dựng hình tượng ‘Bộ đội Cụ Hồ’ đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội tiến lên hiện đại là khâu đột phá chiến lược và có ý nghĩa quyết định, bảo đảm cho quân đội hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ; với nhiệm vụ lớn lao là giữ gìn hòa bình cho đất nước, đồng thời tham gia gìn giữ hòa bình thế giới”, Đại tá, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh.
Đại tá, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy nêu ý kiến về xây dựng hình tượng “Bộ đội Cụ Hồ” trong tác phẩm văn học nghệ thuật có hiệu quả.
Để tiếp tục phát triển dòng văn học nghệ thuật này trong thời kỳ mới cần có sự chung tay của các văn nghệ sĩ, các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa và toàn xã hội, trong đó không thể không nhắc tới vai trò tuyên truyền, quảng bá của các cơ quan thông tấn báo chí.
Theo nhà văn, nhà báo Hoàng Dự, Tổng biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật, báo chí với khả năng tiếp cận rộng rãi và đa dạng có thể giới thiệu các tác phẩm mới, các sự kiện văn hóa liên quan đến đề tài lực lượng vũ trang đến công chúng một cách nhanh chóng và rộng rãi; mở ra các diễn đàn, góc nhìn đa chiều về các tác phẩm, giúp công chúng hiểu sâu hơn về ý nghĩa, giá trị của tác phẩm; cung cấp những đánh giá, nhận xét chuyên môn của những nhà nghiên cứu lý luận phê bình, nhà báo, góp phần định hướng thị hiếu của công chúng, đồng thời tạo động lực cho các nghệ sĩ sáng tạo. Đồng thời, giúp công chúng hiểu rõ hơn về lịch sử, truyền thống, những đóng góp của lực lượng vũ trang, từ đó tăng cường tình yêu quê hương, đất nước.
Nhà văn, nhà báo Hoàng Dự cho rằng báo chí có vai trò to lớn trong việc lan tỏa những giá trị của văn học nghệ thuật đề tài lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.
Nhà văn, nhà báo Hoàng Dự cho biết thêm, trong vai trò là cơ quan ngôn luận của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, thời gian qua Thời báo Văn học nghệ thuật đã tổ chức nhiều hoạt động góp phần thúc đẩy sáng tác văn học nghệ thuật về đề tài chiến tranh cách mạng. Trong đó, cuộc thi tiểu thuyết với đề tài mở rộng là Hiện thực đất nước và con người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã nhận được rất nhiều tác phẩm tham dự viết về đề tài này.
Trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, cuốn sách Văn nghệ sĩ qua miền Tây Bắc về với Điện Biên đã được xuất bản, trong đó in lại toàn bộ kỷ yếu của Hội thảo khoa học Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật. Cuốn sách là phương tiện lưu giữ, lan tỏa những bài viết sâu sắc, hữu ích về chiến thắng lịch sử của dân tộc. Cũng trong dịp này, Thời báo Văn học nghệ thuật đã tổ chức cuộc thi vẽ tranh Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, cuộc thi góp phần giúp thế hệ trẻ khắc ghi truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, lòng biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì độc lập, tự do và hạnh phúc của nhân dân.
Trong dịp cả nước đang hướng tới dịp Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam chỉ đạo Thời báo Văn học Nghệ thuật tổ chức cuộc thi Tìm hiểu 80 năm truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng với chủ đề Vang mãi khúc quân hành. Cuộc thi nhằm khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, đồng thời tri ân và góp phần tuyên truyền sâu rộng những giá trị lịch sử quý báu, truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam qua 80 năm xây dựng và trưởng thành.
Các đại biểu tham quan triển lãm một số tác phẩm tiêu biểu của cuộc thi Tìm hiểu 80 năm truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng với chủ đề "Vang mãi khúc quân hành" trong khuôn khổ Hội thảo.
Để thúc đẩy phát triển văn học nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang, theo nhà văn, nhà báo Hoàng Dự, báo chí cần thực hiện một số việc sau: dành nhiều hơn nữa không gian cho các bài viết, chuyên mục, chuyên trang về văn học nghệ thuật đề tài lực lượng vũ trang; báo chí có thể ứng dụng và tận dụng tối đa các kênh báo chí đa phương tiện để tạo sự hấp dẫn đối với độc giả, sử dụng các nền tảng mạng xã hội để quảng bá rộng rãi các tác phẩm; hình thành và kết nối cộng đồng cho những người có cùng sở thích, đam mê và sự quan tâm đến đề tài lực lượng Vũ trang nhân dân giao lưu, kết nối với nhau;…
NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch Chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phát biểu tổng kết Hội thảo.
Phát biểu tổng kết Hội thảo, Phó Chủ tịch Chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Vương Duy Biên khẳng định, đề tài lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam là một trong những đề tài lớn, dòng chủ lưu của văn học nghệ thuật nước nhà. Hội thảo đã bước đầu rút ra được những thu hoạch, bài học quý báu về tư duy lý luận, sáng tạo, quảng bá, tổ chức sáng tác xung quanh việc triển khai đề tài sáng tác về lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam trong các chuyên ngành văn học nghệ thuật.
Để tiếp tục nêu cao hào khí của chủ nghĩa anh hùng cách mạng từ cội nguồn văn hiến, truyền thống yêu chuộng hoà bình, nhân văn của dân tộc Việt Nam trong văn học nghệ thuật, Phó Chủ tịch Chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đề nghị, cần tháo gỡ những điểm nghẽn, hạn chế trong công tác văn học nghệ thuật còn tồn đọng trong thời gian qua.
Các đại biểu tham gia Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.
Cùng với đó, lực lượng văn nghệ sĩ nước nhà cần đồng lòng và đoàn kết, nâng cao tính chuyên nghiệp trong sáng tác để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công chúng trong các tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Trong bối cảnh quốc gia và quốc tế hiện nay, đề tài về lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam cần bao quát đầy đủ các vấn đề xung quanh bảo vệ an ninh Tổ quốc (an ninh truyền thống) và an ninh phi truyền thống (an ninh con người, văn hoá, môi trường...) trên tầm nhìn của chủ nghĩa nhân văn, huy động sự chung sức của cộng đồng nhân loại.