Dù đã có cải thiện, nhưng vi phạm bản quyền âm nhạc tại Việt Nam vẫn là vấn đề nan giải. Theo Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), NSƯT, nhạc sĩ ĐINH TRUNG CẨN, để giải quyết vấn nạn này, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Dễ xâm phạm, khó xử lý
- Theo đánh giá của ông, tình hình bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực âm nhạc ở Việt Nam hiện nay ra sao?
- Thời gian qua, các chính sách nhằm thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đã góp phần tích cực gia tăng động lực sáng tạo, hài hòa lợi ích giữa các bên là chủ thể quyền và bên người sử dụng, đồng thời thay đổi, nâng cao nhận thức và ý thức tôn trọng bản quyền ở các tổ chức, cá nhân trong xã hội.
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn. Ảnh: VCPMC
Với nhiều nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức đại diện tập thể quyền (CMO) ở nhiều lĩnh vực, cùng sự phối hợp của các tác giả hay giới sáng tạo nói chung, vấn nạn vi phạm bản quyền đã từng bước được đẩy lùi.
Tuy nhiên, đến nay vẫn tồn tại một số hình thức xâm phạm quyền khá phổ biến, thậm chí tinh vi, lợi dụng đặc tính của bản quyền là trừu tượng và rất dễ bị xâm phạm và khó được xử lý kịp thời, đồng bộ… để cố tình tìm mọi cách né tránh trả tiền bản quyền hoặc trục lợi, gây thiệt hại cho các chủ sở hữu bản quyền. Điển hình như các hành vi xâm phạm quyền trên môi trường số, trong lĩnh vực tổ chức biểu diễn hay trong một số hoạt động kinh doanh thương mại.
- Khó khăn và thách thức lớn nhất mà VCPMC gặp phải khi bảo vệ quyền tác giả âm nhạc là gì, thưa ông?
- Trên môi trường internet, ban đầu khó thay đổi từ thói quen sử dụng miễn phí đến ý thức sử dụng phải đi đôi với nghĩa vụ bản quyền, tôn trọng bản quyền. Tiếp đó, chủ sở hữu quyền còn vấp phải hàng loạt khó khăn đến từ chính các đơn vị khai thác, website, ứng dụng nhạc, trang mạng xã hội, chủ kênh đăng tải nội dung… Trong khi các đơn vị đăng tải nhạc thu lợi khá nhiều tiền quảng cáo, từ chia sẻ doanh thu bởi đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian, thì giới tác giả, nhạc sĩ, ca sĩ lại gần như không thu được gì.
Thời gian qua, VCPMC đã tăng cường rà soát, phát hiện và sử dụng công cụ xử lý đối với nhiều website, ứng dụng nhạc có nội dung xâm phạm bản quyền, khuyến cáo các đơn vị này thực hiện nghĩa vụ về bản quyền theo đúng quy định của pháp luật. Số lượng xử lý rất lớn, lên đến hàng nghìn link/kênh trên nhiều nền tảng. Ngoài ra, hiện nay còn một thực trạng là rất nhiều đơn vị, chủ sở hữu quyền tác giả đang cấp phép xuyên biên giới cho các công ty ISP hoạt động đa lãnh thổ, gây khó khăn cho CMOs và chính phủ các nước sở tại (trong đó có Việt Nam) trong việc quản lý, kiểm soát nguồn thu tiền bản quyền tại lãnh thổ Việt Nam, cũng như gây thất thoát thuế của Nhà nước. Nội dung này VCPMC đã có báo cáo và tham mưu đến cơ quan quản lý nhà nước.
- Tình trạng xâm phạm quyền tác giả trong các lĩnh vực cụ thể ra sao, thưa ông?
- Trong lĩnh vực biểu diễn, tình trạng xâm phạm quyền tác giả vẫn diễn ra phức tạp, có chiều hướng tinh vi và thách thức hơn, gồm cả các show trong nước và quốc tế. Nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn thiếu ý thức tự giác, tự nguyện trong nghĩa vụ trả tiền bản quyền, gây khó khăn cho Trung tâm và các tác giả. Khó khăn lớn nhất của VCPMC trong lĩnh vực này không chỉ ở ý thức thiếu tự giác, tự nguyện của người sử dụng, mà còn ở một số quy định trong Nghị định số 144/2020/NĐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn chưa đồng bộ và hiệu quả đối với công tác thực thi bảo hộ quyền tác giả.
Trong các lĩnh vực kinh doanh thương mại có sử dụng nhạc, vẫn thường xuyên diễn ra tình trạng người sử dụng lạm dụng cơ chế thỏa thuận để né tránh xin phép và trả tiền bản quyền, viện cớ không đạt thỏa thuận về mức tiền bản quyền để trì hoãn hoặc từ chối thực hiện nghĩa vụ, thậm chí né tránh, hợp thức hóa hành vi bằng cách đẩy nghĩa vụ của mình cho các đơn vị cung cấp bản ghi.
Thời gian qua, VCPMC đã tiến hành cảnh báo vi phạm và khởi kiện dân sự nhiều đơn vị sử dụng có hành vi xâm phạm bản quyền. Bước đầu nhiều đơn vị đã nhận thức rõ hơn nghĩa vụ, trách nhiệm của mình bằng cách khắc phục và thỏa thuận bồi thường. Tuy nhiên, số lượng vi phạm vẫn tồn đọng khá nhiều và gây thiệt hại hàng loạt cho tác giả với số lượng tác phẩm rất lớn.
Nhìn chung, ở các lĩnh vực trên, việc áp dụng các biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền còn gặp nhiều khó khăn, khó ngăn chặn kịp thời hành vi xâm phạm cũng như khắc phục hậu quả. Do vậy, nhiều đối tượng vi phạm vẫn chưa bị xử lý hoặc đã bị xử lý nhưng vẫn có xu hướng và điều kiện tái phạm.
Tăng cường rà soát, xử lý nghiêm vi phạm
- Xin ông cho biết những giải pháp VCPMC đã thực hiện để bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực âm nhạc?
- VCPMC thực hiện hàng loạt công việc theo trình tự và có cơ sở, thực tiễn. Trước hết, theo dõi, bám sát sự phát triển, thay đổi của thị trường âm nhạc, xu hướng thụ hưởng và thưởng thức nghệ thuật của công chúng, từ đó tăng cường rà soát hành vi sử dụng, phát hiện các hành vi xâm phạm quyền, áp dụng triệt để các biện pháp bảo vệ quyền theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, kiên trì tuyên truyền, vận động, thuyết phục các đơn vị sử dụng, xây dựng ý thức tôn trọng bản quyền, tự giác, tự nguyện thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình, tránh các rủi ro pháp lý.
- Để nâng cao hiệu lực bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực âm nhạc ở Việt Nam, theo ông, cần làm gì?
- Cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành, từ đó nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.
Bên cạnh đó, sửa đổi, tăng mức phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền; quy định thêm về các hình thức xử phạt bổ sung nhằm tăng tính răn đe, góp phần ngăn ngừa hành vi xâm phạm và hậu quả xảy ra.
Trong trường hợp giới hạn quyền, các quy định của pháp luật phải bảo đảm được quyền nhận thù lao xứng đáng của tác giả theo đúng tinh thần Công ước Berne.
Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc, bảo đảm thực thi các điều ước quốc tế trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan.
- Xin cảm ơn ông!
(Bài viết có sự phối hợp của Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)