Chương trình giao lưu bản quyền lĩnh vực âm nhạc giúp lan tỏa nhận thức, bảo vệ quyền tác giả và tạo động lực cho nghệ sĩ sống bằng sáng tạo chân chính.
Hưởng ứng Ngày sở hữu trí tuệ thế giới 26-4, Cục Bản quyền tác giả phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tổ chức chương trình giới thiệu, giao lưu về bản quyền trong lĩnh vực âm nhạc, tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ vào tối ngày 20-4-2025.
Chương trình nhằm giới thiệu, giao lưu về bản quyền trong lĩnh vực âm nhạc, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.
Phát biểu tại chương trình, ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết chương trình với chủ đề “Sở hữu trí tuệ và Âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của Sở hữu trí tuệ” hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả.
“Chúng tôi lựa chọn lĩnh vực âm nhạc là phương tiện truyền tải nhằm tôn vinh sức sáng tạo của các nhạc sĩ và lan tỏa hình ảnh TP. Đây cũng là dịp để nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của quyền tác giả, quyền liên quan trong thời đại chuyển đổi số” - ông Hoàng nói.
Theo ông Hoàng, ca khúc “Thành phố mang tên Bác” được thể hiện như một lời tri ân sâu sắc và khẳng định trách nhiệm gìn giữ, phát huy di sản âm nhạc trong kỷ nguyên số.
Cũng tại chương trình, ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cho biết sở hữu trí tuệ là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa của thành phố.

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM.
“Là một trong những trung tâm văn hóa – nghệ thuật lớn của cả nước, TP.HCM đang không ngừng ghi nhận những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực sáng tạo thông qua nhiều chương trình, sự kiện tiêu biểu như Liên hoan Âm nhạc Quốc tế Hò Dô.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, như tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, xâm phạm sáng tạo của các tác giả và các bên liên quan.
Chúng tôi cam kết sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng thời tôn trọng và phát huy các giá trị từ thành quả lao động sáng tạo” - ông Nhựt cho hay.
Chia sẻ về quá trình làm nghề, nhạc sĩ Đức Trí cho biết nhạc sĩ đã bắt đầu thực hành cái nghề âm nhạc duy nhất của mình từ rất sớm và suốt mấy chục năm qua, âm nhạc là nghề chính thống.
“Chúng tôi được toàn tâm toàn ý sáng tạo, không phải lo nghĩ đến những vấn đề khác ngoài nghệ thuật. Mỗi khi người nghe click vào bài hát, thì mỗi một lần click đó đều được dẫn về trung tâm bản quyền tác giả. Chúng tôi đều được ghi nhận, có thu nhập và thực sự sống được bằng nghề” - nhạc sĩ Đức Trí cho hay.

Nhạc sĩ Hoài An (đứng giữa) và nhạc sĩ Đức trí giao lưu tại chương trình.
Còn nhạc sĩ Hoài An cho hay bên cạnh những vấn đề liên quan đến pháp lý, các tác giả và nghệ sĩ thường cảm thấy rất mong manh khi tác phẩm của họ ra đời nhưng lại không được bảo vệ đầy đủ, nghiêm ngặt.
“Các nhạc sĩ cần có sự an tâm về cuộc sống và công việc, để họ có thể tiếp tục sáng tạo và cống hiến cho xã hội. Nếu được đảm bảo về quyền lợi, các nghệ sĩ sẽ có cơ hội phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng sản phẩm, từ đó đóng góp tích cực vào nền văn hóa chung” - nhạc sĩ Hoài An nói.

Ca khúc Bắc Bling lần đầu được thể hiện tại TP.HCM.
Dịp này, ban tổ chức cũng trao quà hỗ trợ đến các nhạc sĩ, nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn, thể hiện sự trân trọng đối với những giá trị lao động sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc
TP.HCM sẽ là một trong những địa điểm thúc đẩy các hoạt động văn hoá nghệ thuật
Trong khuôn khổ sự kiện, trao đổi với báo chí, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Việt Nam, cho biết âm nhạc là một phần thiết yếu trong nền công nghiệp văn hóa.
"Bản quyền âm nhạc không chỉ bảo vệ quyền lợi của nghệ sĩ mà còn là động lực thúc đẩy sáng tạo, thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế số. Khi quyền tác giả được bảo vệ hiệu quả, nghệ sĩ sẽ an tâm sáng tạo và cống hiến. Các tổ chức như VCPMC chính là điểm tựa pháp lý, hỗ trợ nghệ sĩ khai thác và bảo vệ tài sản tinh thần một cách chính đáng" - bà Oanh nói.
Việc chọn TP.HCM là điểm tổ chức năm nay cũng mang ý nghĩa đặc biệt – đúng dịp kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Theo bà Oanh, TP.HCM là trung tâm năng động, đang hướng tới trở thành đô thị sáng tạo và là hạt nhân phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó âm nhạc là một trụ cột. “Đây là thời điểm mà TP.HCM hướng tới thành phố sáng tạo. Đây sẽ là một trong những địa điểm thúc đẩy các hoạt động văn hoá nghệ thuật để phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, trong đó có công nghiệp âm nhạc. Tôi mong muốn nhân rộng mô hình này ra nhiều tỉnh, thành phố" - bà nhấn mạnh. Cạnh đó, trong kỷ nguyên số, vấn đề bản quyền càng trở nên cấp thiết. Việt Nam đang tích cực hoàn thiện khung pháp lý, tham gia các hiệp định thương mại, hợp tác với các tổ chức quốc tế để xây dựng hệ thống bảo vệ quyền tác giả hiệu quả.
Theo ThS, LS Nguyễn Thị Phương Thảo, mô hình Quản lý tập thể quyền tác giả được hình thành từ năm 1777 tại Pháp là mô hình hữu hiệu nhất. "Ở Việt Nam, hiện có năm tổ chức quản lý tập thể, trong đó VCPMC là đơn vị duy nhất được Nhà nước cấp phép đại diện quyền lợi cho các nhạc sĩ. Suốt 23 năm hoạt động, VCPMC đã trở thành thành viên của Liên minh Quốc tế các Hiệp hội Nhà soạn nhạc và lời (CISAC), ký kết hợp tác song phương với 168 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh việc tối ưu hóa nguồn thu từ tác phẩm, VCPMC còn tích cực xử lý vi phạm bản quyền bằng nhiều biện pháp công nghệ, hành chính, dân sự và cả khởi kiện ra tòa" - LS Thảo nói.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ: “Tôi là người đầu tiên được VCPMC đại diện khởi kiện và thắng kiện quốc tế về bản quyền ca khúc Vầng trăng khóc. Trong thời đại số, khi mọi sản phẩm đều được số hóa và khai thác trên không gian mạng, việc bảo vệ bản quyền càng trở nên sống còn với người sáng tạo.” Đồng quan điểm, theo TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ngành công nghiệp bản quyền chính là “hạt nhân” của công nghiệp văn hóa. Việc thực thi hiệu quả quyền tác giả, đặc biệt trong âm nhạc, đã tạo cảm hứng cho xã hội, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của nền âm nhạc Việt Nam – vừa hiện đại, vừa đậm đà bản sắc dân tộc. VIẾT THỊNH ghi
|
Chia sẻ tại chương trình, Luật sư Phan Vũ Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM cho biết trước đây, tình trạng xâm phạm bản quyền diễn ra rất nhiều. Hiện nay, nhờ nỗ lực từ phía các cơ quan nhà nước và các đơn vị đại diện quyền sở hữu, hành vi xâm phạm đã phần nào được kiểm soát.
Theo luật sư Tuấn, hiện nay các hành vi xâm phạm bản quyền có thể được chia thành hai nhóm: nhóm thứ nhất là những người không nhận thức được rằng mình đang xâm phạm và nhóm thứ hai là những người cố ý vi phạm.
"Vấn đề quan trọng nhất nằm ở tư duy của chính các tác giả. Những người sáng tạo phải là người đầu tiên có ý thức tự bảo vệ tác phẩm của mình. Mỗi năm có hàng chục ngàn tác phẩm ra đời, không một cơ quan nhà nước nào có thể kiểm soát hết” - Luật sư Phan Vũ Tuấn nhấn mạnh.
|
Thực hiện: HẢI NHI-VIẾT THỊNH (plo.vn)