Sáng nay, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam có cuộc làm việc với đại diện của một số cơ quan báo chí và nhạc sĩ về những vấn đề liên quan đến quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.
Hiện nay, VCPMC đang khai thác và cấp phép gần 30 lĩnh vực có sử dụng âm nhạc trong hoạt động kinh doanh thương mại, và được VCPMC quản lý và cấp phép bởi hai bộ phận chính. Bộ phận nhạc nền (Offline) bao gồm: Phát thanh truyền hình, trung tâm thương mại, quán café, nhà hàng, quán bar, vũ trường. Đối với lĩnh vực này, ngoài hai địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, VCPMC đã và đang thực hiên cấp phép bao phủ toàn bộ các tỉnh thành trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, lĩnh vực này đang gặp nhiều khó khăn do ý thức trách nhiệm về việc thực hiện bản quyền tác giả âm nhạc đối với các đơn vị xử dụng âm nhạc chưa tốt, đồng thời do khủng hoảng kinh tế nên nguồn thu bản quyên chưa đạt như kỳ vọng và mực tiêu đề ra. Bộ phận Digital: Bao gồm các nền tảng Website, ứng dụng như Youtube, Facebook, Tiktok, Apple, Spotify…) các lĩnh vực biểu diễn, sao chép trực tuyến, vật lý…
Kể từ năm 2019, VCPMC thu tiền bản quyền âm nhạc lĩnh vực Digital đối với các Website/app, nền tảng âm nhạc nêu trên chiếm khoảng 86% nguồn thu của tất cả các lĩnh vực. Cụ thể, VCPMC cấp phép và thu tiền từ hàng trăm website/ứng dụng có sử dụng âm nhạc tại Việt Nam và trên toàn thế giới như: Apple Music, Youtube Music, Keeng, Deezer, Spotify, Zing MP3, Nhạc.vn… hoặc trên các nền tảng mạng xã hội (Website/ứng dụng đa phương tiện, mạng xã hội): Facebook, Instagram, Tiktok…; Website/ứng dụng đa phương tiện, mạng xã hội; Dịch vụ video theo yêu cầu (VOD) trên các nền tảng truyền hình. Ngoài lãnh thổ Việt Nam, VCPMC còn thu từ các website/ứng dụng có sử dụng âm nhạc; Các website/ứng dụng có sử dụng âm nhạc đang đàm phán hoặc VCPMC đang xử lý vi phạm …
Theo đó, tiền bản quyền mà các tổ chức quốc tế có hợp tác song phương với VCPMC thu được chuyển về cho tác giả Việt Nam thông qua VCPMC (được thể hiện trong báo cáo hàng năm của VCPMC) đã tăng hơn trong những năm gần đây và được phân phối cho các tác giả theo từng kỳ.
Trao đổi với báo giới, NSƯT. Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Tổng Giám đốc VCPMC cũng chia sẻ một số bất cập mà một số các tác giả thành viên gặp phải khi trót ký kết với một số công ty khác, gây nhầm lẫn nhiều nội dung như: Hợp đồng hợp tác; Hợp đồng cấp quyền (có điều khoản được cấp cho bên thứ 3); Hợp đồng giám sát quyền tác giả; Hợp đồng thuê sáng tác bài hát; Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả; Hợp đồng khai thác; Hợp đồng kinh doanh… Để đảm bảo quyền và lợi ích của các tác gỉa. - chủ sở hữu tác phẩm, VCPMC cũng đã có những cảnh báo tác giả cần lưu ý rõ hơn điều khoản ở những hợp đồng uỷ thác để tránh xảy ra những rủi ro, nhất là đối với các hợp đồng ký kết với các đơn vị khác về nội dung hợp đồng; thời hạn hợp đồng, nhất là việc một số hợp đồng không quy định rõ thời hạn, hoặc quy định thời hạn vĩnh viễn, hoặc quy định không có thời hạn như trong Hợp đồng chuyển nhượng hay Hợp đồng thuê sáng tác bài hát cũng có nghĩa là vĩnh viễn, kèm theo điều khoản không được chấm dứt trước thời hạn. Điều này có thể dẫn đến hậu quả giống như việc tác giả bán đứt tác phẩm của mình (trong khi đó pháp luật quy định thời hạn bảo hộ tác phẩm âm nhạc là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm sau khi tác giả qua đời); hoặc vấn đề pháp lý khi đơn phương chấm dứt hợp đồng…
Nếu trong quá trình ký kết không chặt chẽ về pháp lý thì những hệ quả, thiệt hại, rủi ro cho tác giả khi ủy thác quyền tác giả cho các đơn vị không phải là VCPMC sẽ rất khó lường. Việc ký ủy quyền nhiều bên sẽ xảy ra những xung đột và tranh chấp không đáng có, bởi, VCPMC là đại diện duy nhất của Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Liên minh quốc tế các Hiệp hội những nhà soạn nhạc và lời thế giới - CISAC, năm 2009. Điều này đồng nghĩa với việc Trung tâm được công nhận tiêu chuẩn chuyên nghiệp quốc tế. Tính đến tháng 8/2024, VCPMC đã ký hợp đồng song phương với 88 tổ chức bảo vệ quyền tác giả âm nhạc tương ứng trên thế giới có phạm vi điều chỉnh ở 227 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Với những cam kết ràng buộc này, Trung tâm hiện là tổ chức đại diện quyền tác giả duy nhất tại Việt Nam có quyền đại diện, bảo vệ lợi ích của hơn 6.400 tác giả trong nước và hơn 05 triệu tác giả âm nhạc trên thế giới.
Nếu như năm 2002, Trung tâm có 274 tác giả thành viên, và số tiền tác quyền thu được chỉ gần 87 triệu đồng, thì riêng năm 2023, tổng số tiền tác quyền mà VCPMC thu (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) là hơn 344 tỷ đồng, số tiền phân phối, chi trả đến các chủ sở hữu quyền tác giả qua 4 kỳ là hơn 305 tỷ đồng, tăng 90% so với năm 2022, số tiền bản quyền thu tại Việt Nam (chưa tính nguồn thu từ CMOs quốc tế).
Theo báo cáo của CISAC năm 2023, từ năm 2019 - 2022, VCPMC đứng thứ 1 trên thế giới về tốc độ tăng trưởng trong thị phần bản quyền âm nhạc trên nền tảng số.