Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam VCPMC xin gửi lời chào đến các nhạc sĩ, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, cùng những thông tin cảnh báo về tình trạng lạm dụng công cụ “claim” quyền trên mạng xã hội và về hiện tượng “mua đứt” tác phẩm.
Vừa qua, VCPMC nhận được phản ánh từ nhiều nhạc sĩ và đại diện của gia đình các tác giả, soạn giả, các chủ sở hữu quyền… về tình trạng một số tổ chức kinh doanh, mua bán nhạc đang lạm dụng công cụ “claim” xác nhận quyền trên một số mạng xã hội như Youtube. Bên cạnh một số tổ chức/cá nhân thực sự là chủ sở hữu quyền thường là quyền liên quan sử dụng công cụ “claim” chính xác đối với quyền của mình, vẫn còn rất nhiều tổ chức/cá nhân lạm dụng công cụ này để cố ý chiếm đoạt bản quyền và nội dung nhằm trục lợi, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của nhiều chủ sở hữu quyền, người sáng tạo, ngoài ra còn dẫn đến một môi trường mạng thiếu lành mạnh, đầy xung đột và vấn nạn xâm phạm bản quyền. Qua phản ánh và những ý kiến bất bình, bức xúc của các thành viên về vấn nạn này, VCPMC đang thu thập thông tin để phối hợp xử lý, ngăn chặn các hành vi tiêu cực, thiếu trách nhiệm, thiếu tôn trọng bản quyền, cố ý lạm dụng công cụ của mạng xã hội để kiếm tiền, bất chấp các quy định về quyền của người sáng tạo được pháp luật bảo hộ.
Do đó, VCPMC rất mong các Tác giả, chủ sở hữu quyền cùng chung sức, phối hợp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, đồng thời cung cấp thông tin đến bộ phận Pháp chế và bộ phận Media của VCPMC.
Thông tin liên hệ: Bộ phận Pháp chế, bộ phận Media tại Hà Nội:
Địa chỉ: 66 Nguyễn Văn Huyên, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
E-mail: info@vcpmc.org
Điện thoại: 024.3762 4718 - 3762 4719 Số máy lẻ: 148, 169
Hoặc bộ phận Media tại Chi nhánh phía Nam: Địa chỉ: 42 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Đakao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3829 9225 - 3824 1718 Số máy lẻ: 203.
Ngoài ra, trên thị trường có hiện tượng một số doanh nghiệp hoặc cá nhân kinh doanh nhạc đang tìm cách “mua đứt” tác phẩm nhằm khai thác, kinh doanh.
Về phía các tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả, việc bán, chuyển nhượng tác phẩm nếu có tuy thu được lợi ích trước mắt, nhưng mặt khác lại gây thiệt hại lâu dài về mặt kinh tế, tài sản, đồng thời quyền kiểm soát, quyền sở hữu đối với tác phẩm của tác giả cũng bị mất đi vĩnh viễn. Trong khi đó, Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định về thời hạn bảo hộ quyền tài sản là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm kể từ khi tác giả mất. Thời gian qua, nhờ các chính sách pháp luật về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan cũng như việc các tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả đã gìn giữ và bảo lưu tốt các quyền của mình mà nhiều gia đình tác giả đã bớt khó khăn đáng kể khi được thừa hưởng di sản là các tác phẩm mà tác giả để lại cho người thân, con cháu.
VCPMC rất mong các thành viên hết sức lưu ý, thận trọng nhằm tránh những rủi ro, bất lợi, thiệt hại về quyền và lợi ích. Trong trường hợp cần thiết, các thành
viên vui lòng liên hệ bộ phận Hội viên hoặc Pháp chế ở hai miền để được tư vấn, hỗ trợ.
Trân trọng cảm ơn!
TỔNG GIÁM ĐỐC