Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đau buồn và thương tiếc thông báo tới các tác giả thành viên, đối tác và bạn bè: Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VIệt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa IX, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, đã rời cõi tạm vào trưa ngày 19/9/2020, hưởng thọ 77 tuổi.
![](/upload_images/images/2022/09/08/z2084372665306_56094007b073613edc6f1767c426f28f.jpg)
Nhạc sĩ Phó Đức Phương sinh năm 1944, ông từng là học sinh giỏi Toán của mảnh đất Văn Giang tỉnh Hưng Yên. Ông theo đuổi con đường nghiên cứu tự nhiên suốt những năm 1962 - 1965 khi là sinh viên khoa Toán của Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 1966, Phó Đức Phương quyết định thi vào trường Âm nhạc Việt Nam nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam với kết quả khiến bao người nể phục.
Nhắc tới nhạc sĩ Phó Đức Phương, công chúng yêu nhạc bốn phương sẽ nhớ tới những: Hồ trên núi, Chảy đi sông ơi!, Trên đỉnh Phù Vân, Không thể và có thể, Về quê… Mỗi tác phẩm là một câu chuyện kể bằng âm nhạc, mà cách kể của mỗi câu chuyện một khác. Những cốt truyện của ông nhiều khi được bắt nguồn từ vốn cổ, từ những điển tích, điển cố, nhưng tất cả đều có giai điệu, ca từ đắm đuối, chân tình, đưa người nghe tới tận cùng của cảm xúc. Kể cả với những bài được ông sử dụng những cung quãng trúc trắc, đòi hỏi người thể hiện không chỉ ở giọng hát mà còn cả bản lĩnh nghề nghiệp và sự thấu hiểu trong ngôn từ, âm nhạc, mới có thể lột tả được thần thái của tác phẩm… thì sau cùng vẫn cứ cho người nghe một cảm xúc vô cùng đẹp đẽ về âm nhạc.
Âm nhạc của nhạc sĩ Phó Đức Phương luôn tạo cho người nghe cảm xúc mới lạ. Mỗi tác phẩm mang một phong vị riêng, không lặp lại ngôn ngữ âm nhạc của chính mình. Nếu như: “Những cô gái Quan họ” cho người nghe cảm nhận về sự duyên dáng, mượt mà đầy nữ tính và thuần Việt mang đậm nét văn hóa của người phụ nữ vùng quê Kinh Bắc ngoan cường trong bom đạn khốc liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ, thì ở những sáng tác càng về sau này, người nghe tiếp nhận được là những câu chuyện hoàn toàn mới mẻ. Ngôn ngữ âm nhạc đa sắc, mang màu sắc âm hưởng của âm nhạc tôn giáo, thoát tục, như trong “Bài ca thần chim lạc” ông đã “nhập đồng” để có thể cất lên những câu hát - nói khiến người nghe nổi da gà: “Ta là thần chim lạc, sải cánh chín tầng trời/Qua biển Đông sóng dậy, về núi Tây điệp trùng/Đây Hồng Hà nặng đỏ, kia chín nhánh sông Rồng/Giang sơn muôn ngàn dặm, cháu con ức triệu người/Ta bay qua thời gian, từ thuở hồng hoang/Ta bay thấu không gian, biển rộng núi cao, đi hết cõi hữu hình, ta vào miền vô ảnh, vẫn nặng tình nhân gian/Bồn chồn nỗi cháu con nòi giống…” Hay khi ông hóa thân vào Hai Bà Trưng: “Từng nghe trời sinh con người làm tông chủ muôn loài/ Nhưng lưới trời lồng lộng, đạo trời cao nghiêm, vậy mà... nay có kẻ khác nòi tên là Tô Định, lòng dạ chó dê tham tàn bạo ngược/ Tội ác chất chồng đầy núi, đầy sông/ Khiến đất trời, thần linh, người người căm giận…”. Trong tác phẩm viết về Trần Hưng Đạo, ông cũng đắm đuối hóa thân, nhập đồng vào “Lời thề sông Hóa”, để kể lại câu chuyện khi Đức Thánh Trần Hưng Đạo, trong lúc đang họp với tướng sĩ, thì nghe tin cấp báo Voi bị sa lầy. Trần Hưng Đạo cùng tướng sĩ chạy ra bến sông. Lúc này, con voi nước mắt lã chã… ông đã nhập đến độ thốt lên: “Hỡi ơi! Voi đồng đội của ta/ Voi chiến binh của ta/ Ơi! Voi dũng mãnh của ta/Ta hiểu rồi, Voi hận vì không được ra chiến trường/ Voi muốn cùng ta lên đường để ngày đêm giệt tan lũ giặc Thát/ Ta và Voi hàng trăm trận chiến đấu/ làn tên mũi giáo sống chết Voi xá gì.../ Ta và Ngươi hỡi Dã Tượng, cùng nhau đã mang chiến bào, nợ dân, nợ nước khoác vào, bảo nhau hãy diệt tan lũ Thát…/ Sông Hóa ta mau vượt qua quyết trận này lấy đầu Ô Mã Nhi..."
Cùng với sự đa dạng về màu sắc và ngôn ngữ trong mảng ca khúc thì ông còn viết nhạc cho hàng chục bộ phim như: Những đứa con, Trăng rằm, Lưu lạc, Giông tố... và viết nhạc cho nhiều vở sân khấu như: Hồn Trương Ba da hàng thịt, Nguồn sáng trong đời. Tôi và chúng ta, Nghêu sò ốc hến, Thầy khoá làng tôi, Rừng trúc...
Năm 2001, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: Những cô gái quan họ, Hồ trên núi, Một thoáng Tây Hồ, Nha Trang thu, Trên đỉnh Phù Vân.
Vốn là người kỹ tính và cả khó tính trong âm nhạc, nên mỗi tác phẩm của ông ra đời là sự chắt chiu, trăn trở và thành quả là sự đón nhận của công chúng. Ông đã trở thành 1 trong 4 trụ cột của Bộ tứ Sông Hồng "quyền lực" trong âm nhạc. Đồng thời, ông cũng là người đã xả thân vì Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam từ những ngày đầu thành lập gian khó. 17 năm gắn bó với cương vị là Giám đốc Trung tâm, ông luôn chịu thiệt thòi về mình chỉ để mong Trung tâm phát triển, các nhạc sĩ tin tưởng ủy thác, qua đó thúc đẩy mang lại sự công bằng cho các tác giả cũng như thúc đẩy sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam.
Sự ra đi của nhạc sĩ Phó Đức Phương để lại nhiều niềm tiếc nuối cho bạn bè, người thân, đồng nghiệp và cả những khán giả đã yêu mến âm nhạc của ông trong suốt những năm qua.
Với tất cả sự chân thành, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam xin được bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn và xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình nhạc sĩ Phó Đức Phương.