Thông tin hữu ích dành cho các tác giả thành viên và người sử dụng một số quy định về quyền tác giả.
Thứ nhất, tác giả, đồng tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và tác phẩm âm nhạc theo quy định của pháp luật:
- Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học;
- Đồng tác giả là những tác giả cùng trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học.
- Người hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo ra tác phẩm không được công nhận là tác giả hoặc đồng tác giả;
- Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ;
- Tác phẩm âm nhạc quy định tại điểm d khoản 1 Điều 14 của Luật sở hữu trí tuệ là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác hoặc được định hình trên bản ghi âm, ghi hình có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn.
Thứ hai, quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc bao gồm:
Quyền nhân thân Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ:
- Đặt tên cho tác phẩm;
- Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
- Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
- Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Quyền tài sản Khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ:
- Làm tác phẩm phái sinh;
- Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;
- Sao chép tác phẩm;
- Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;
- Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác.
Thứ ba, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền tài sản Khoản 2 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ.
Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả Khoản 3 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ.
Thứ tư, thời điểm phát sinh quyền tác giả:
Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký Khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ.
Thứ năm, thời hạn bảo hộ quyền tác giả Điều 27 Luật Sở hữu quyền tác giả:
- Quyền nhân thân được bảo hộ vô thời hạn. trừ quyền công bố hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm.
- Quyền công bố hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm và quyền tài sản có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết. Trong trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết.
- Thời hạn bảo hộ chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ quyền tác giả.
Thứ sáu, chuyển giao quyền tác giả bao gồm chuyển nhượng và chuyển quyền sử dụng quyền tác giả:
- Chuyển nhượng quyền tác giả là việc chủ sở hữu quyền tác giả chuyển giao quyền sở hữu đối với các quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm cho tổ chức, cá nhân khác theo hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan.
- Hệ quả của việc chuyển nhượng: chủ sở hữu quyền tác giả sẽ không còn quyền mà mình đã chuyển nhượng.
- Chuyển quyền sử dụng quyền tác giả là việc chủ sở hữu quyền tác giả cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng có thời hạn một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm.
- Hệ quả của việc chuyển quyền sử dụng: chủ sở hữu quyền tác giả vẫn còn nguyên vẹn quyền tác giả.
Thứ bảy, các biện pháp bảo vệ quyền tác giả:
- Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền của mình Khoản 1 Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ:
- Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
- Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
- Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
- Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Thứ tám, tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả
- Tại Việt Nam, chỉ có duy nhất Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam VCPMC là tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả trong lĩnh vực âm nhạc.
- VCPMC là tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, trực thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam, là thành viên của CISAC Liên minh quốc tế các hiệp hội nhà soạn nhạc và lời.
- VCPMC thực hiện các hoạt động sau đây theo ủy quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan:
- Thực hiện việc quản lý quyền tác giả; đàm phán cấp phép, thu và phân chia tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác từ việc cho phép khai thác các quyền được ủy quyền;
- Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của thành viên; tổ chức hòa giải khi có tranh chấp.