Mô hình tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả CMOs - Collective Management Organization: Chủ sở hữu quyền tác giả có quyền cho phép hoặc không cho phép người khác sử dụng tác phẩm của mình.
Chủ sở hữu quyền tác giả có quyền cho phép hoặc không cho phép người khác sử dụng tác phẩm của mình.
Tuy nhiên, việc quản lý quyền đơn lẻ theo từng cá nhân chủ sở hữu gần như là bất khả thi. Một tác giả không thể nào kiểm soát được tác phẩm của mình được sử dụng ở những đâu, vào những thời điểm nào, phục vụ những mục đích gì… Ngược lại, đối với người sử dụng, việc tìm đến từng tác giả của từng tác phẩm để xin phép và trả tiền bản quyền tiêu tốn rất nhiều thời gian, công sức và chi phí, thậm chí không thể thực hiện được. Điều này lại càng đúng hơn đối với các tác phẩm âm nhạc quốc tế.
Để giải quyết khó khăn này, giúp chủ sở hữu quyền quản lý hiệu quả quyền lợi hợp pháp của mình, đồng thời giúp người sử dụng tác phẩm âm nhạc thuận tiện trong việc thực hiện nghĩa vụ về quyền tác giả, mô hình tổ chức quản lý tập thể quyền CMOs - Collective Management Organization đã ra đời.
Tại Việt Nam hiện có các tổ chức quản lý tập thể quyền:
- Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam – VCPMC
- Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam – RIAV
- Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam – VLCC
- Hội Bảo vệ quyền của Nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam - APPA
Kinh nghiệm của các quốc gia khẳng định rằng mô hình tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan có vị trí quan trọng trong hệ thống thực thi và có vai trò đặc biệt trong hoạt động tự bảo vệ quyền lợi của các chủ thể quyền. Đây là mô hình hoạt động phi lợi nhuận, mục đích để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên, không vì mục đích sinh lợi. Thông qua hợp đồng ủy quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, tổ chức quản lý tập thể quyền đóng vai trò là đại diện thực hiện hoạt động cấp phép sử dụng, khai thác tác phẩm, thu tiền sử dụng và phân phối tới từng chủ sở hữu quyền, những người có quyền lợi theo quy định của pháp luật.
Với hoạt động đó, tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan là cầu nối giữa các nhà sáng tạo là hội viên với các tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm; tạo thuận lợi cho việc sử dụng, khai thác có hiệu quả các quyền của hội viên.
Nguyên tắc thoả thuận đảm bảo lợi ích các bên: VCPMC tôn trọng và thực hiện nguyên tắc thoả thuận nhằm đảm bảo hài hoà 3 lợi ích theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 43 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP: “Việc trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất phải bảo đảm lợi ích của người sáng tạo, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng và công chúng hưởng thụ, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước”.
Bảo hộ tác phẩm trên phạm vi quốc tế: Luật về quyền tác giả của mỗi nước quy định các quyền khác nhau liên quan đến tác phẩm. Các hiệp định và công ước quốc tế như công ước Berne, hiệp định TRIPS… đã tạo ra sự thống nhất về các quyền và các quốc gia ký kết đều nhất trí bảo hộ tác phẩm trên phạm vi quốc tế. Theo các điều ước này, các tác phẩm được bảo hộ dựa trên cơ sở luật pháp của nước sở tại. Điều đó có nghĩa là các tác phẩm của nước ngoài được sử dụng ở Việt Nam được bảo hộ theo luật về quyền tác giả của Việt Nam, trong khi các tác phẩm của Việt Nam được sử dụng ở nước ngoài sẽ được bảo hộ theo luật quyền tác giả của quốc gia đó.