Điều 37 Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “Tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất - kỹ thuật của mình để sáng tạo ra tác phẩm có các quyền nhân thân quy định tại Điều 19 và các quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này.”.
Điều 37 Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “Tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất - kỹ thuật của mình để sáng tạo ra tác phẩm có các quyền nhân thân quy định tại Điều 19 và các quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này.”.
Bộ luật Dân sự quy định quyền tài sản là một loại tài sản và định nghĩa quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác. Do đó, các quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm là những tài sản thuộc về tác giả nếu tác giả là người sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất - kỹ thuật của mình để sáng tạo ra tác phẩm theo quy định tại Điều 37 Luật Sở hữu trí tuệ.
Cũng theo quy định tại Khoản 1 Điều 45 Luật Sở hữu trí tuệ thì tác giả có thể chuyền giao quyền sở hữu quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm do mình sở hữu cho cá nhân, tổ chức khác.
Từ những căn cứ pháp luật này, có thể hiểu việc bán, chuyển nhượng tác phẩm âm nhạc bản chất là việc bán, chuyển nhượng các quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm nếu còn, mặt khác được hiểu là các tài sản do tác giả sở hữu cho cá nhân, tổ chức khác. Hệ quả pháp lý của việc này là tác giả không còn là chủ sở hữu các quyền mà mình đã bán, chuyển nhượng, do đó sẽ không còn quyền độc quyền cho phép người khác sử dụng và không được nhận tiền nhuận bút đối với các quyền đã bán, chuyển nhượng khi tác phẩm được sử dụng.
Vì vậy, việc bán, chuyển nhượng tác phẩm âm nhạc có thể có những rủi ro nhất định, dưới đây là những rủi ro mà tác giả có thể gặp:
Thứ nhất:
Thiệt hại về lợi ích kinh tế lâu dài. Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ quy định thời hạn bảo hộ đối với quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm của tác phẩm âm nhạc là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết, trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết. Có thể thấy, pháp luật bảo hộ các quyền của tác phẩm trong một thời gian rất dài, do đó những lợi ích kinh tế từ việc sử dụng tác phẩm là rất lớn, có thể lớn hơn rất nhiều lần so với mức giá mà một cá nhân, tổ chức có thể đưa ra cho các tác phẩm của các tác giả. Hơn nữa, pháp luật ngày càng chặt chẽ và hiệu quả, bên cạnh đó là ý thức tôn trọng quyền tác giả của công chúng đã tăng lên rất nhiều, đó cũng là một điều kiện để gia tăng lợi ích kinh tế cho các tác phẩm âm nhạc.
Thứ hai:
Quyền sở hữu, quyền độc quyền cho phép sử dụng và được nhận nhuận bút mất đi vĩnh viễn. Sau khi bán, chuyển nhượng tác phẩm cho người khác, tác giả không còn quyền được quyết định cho phép đơn vị nào được sử dụng hay không được sử dụng, hay mục đích của việc sử dụng là gì, nếu nó không xâm phạm quyền nhân thân mà tác giả vẫn được bảo vệ và điều cấm của pháp luật. Bên cạnh đó, các cá nhân, tổ chức đã mua, nhận chuyển nhượng từ tác giả có thể tiếp tục bán, chuyển nhượng những tác phẩm đó cho những cá nhân, tổ chức khác để kiếm lời hoặc vì bất kỳ mục đích nào khác mà tác giả không thể kiểm soát được. Những việc này có thể ảnh hưởng đến uy tín của tác giả, cũng như là chỗ đứng của tác giả và tác phẩm trong lòng công chúng, đây là một điều hết sức đáng quan ngại khi bán, chuyển nhượng tác phẩm.
Vì những rủi ro như đã phân tích ở trên, cách tốt nhất để tác giả vừa đảm bảo được lợi ích kinh tế và quyền sở hữu đối với tác phẩm, tác giả nên ủy quyền cho các đơn vị uy tín hoặc tổ chức đại diện tập thể quyền để thay mặt tác giả cấp phép và bảo vệ các quyền cho tác giả chứ không nên bán, chuyển nhượng tác phẩm của mình.