Những lĩnh vực vi phạm chủ yếu như chương trình biểu diễn ca nhạc và việc sử dụng tác phẩm thông qua bản ghi âm, ghi hình của các tổ chức kinh doanh thương mại nhạc nền, bên cạnh đó là sự vi phạm ngày càng phức tạp trên không gian mạng và việc mua bán, ch
Kể từ khi Việt Nam có Luật Sở hữu trí tuệ, cũng như các chính sách của cơ quan nhà nước nhằm bảo vệ các thành quả sáng tạo, vấn đề bảo vệ quyền tác giả âm nhạc ở Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể. Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển không ngừng của kinh tế, xã hội, các vấn đề vi phạm quyền tác giả âm nhạc cũng diễn biến phức tạp về hình thức cũng như lĩnh vực.
Những hình thức vi phạm phổ biến là sử dụng tác phẩm âm nhạc nhưng không xin phép, không trả tiền nhuận bút, nhưng cũng có những vi phạm phức tạp hơn như cố ý gây cản trở việc khai thác tác phẩm, chiếm đoạt quyền tác giả.
Những lĩnh vực vi phạm chủ yếu như chương trình biểu diễn ca nhạc và việc sử dụng tác phẩm thông qua bản ghi âm, ghi hình của các tổ chức kinh doanh thương mại nhạc nền, bên cạnh đó là sự vi phạm ngày càng phức tạp trên không gian mạng và việc mua bán, chuyển nhượng tác phẩm.
Chiếm đoạt quyền tác giả
Hiện nay, có một số tổ chức, cá nhân lợi dụng sự tin tưởng và tính cách phóng khoáng của các nhạc sĩ, qua đó ký kết các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng tác phẩm trái với ý chí của tác giả, nhằm mục đích trở thành chủ sở hữu của các quyền tài sản của tác phẩm. Đây là một hành vi vi phạm ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả vì nó chiếm đoạt quyền cho phép và nhận nhuận bút của tác giả, đồng thời cản trở việc khai thác bình thường của tác phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến sự hưởng thụ âm nhạc của công chúng.
Chương trình biểu diễn ca nhạc
Mặc dù đã có sự kiểm soát nhất định từ phía các cơ quan nhà nước, nhưng sự vi phạm trong hoạt động biểu diễn vẫn kéo dài nhiều năm nay. Họ sử dụng nhiều kẽ hở của pháp luật cũng như sự kéo dài của việc khiếu kiện để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ, giải thể các công ty đã tổ chức chương trình, sau đó thành lập các công ty mới và tiếp tục tổ chức các chương trình mới. Những sự vi phạm này cho thấy sự coi thường pháp luật về quyền tác giả, tạo ra môi trường âm nhạc thiếu lành mạnh và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của các tác giả.
Lĩnh vực nhạc nền
Nhạc nền là việc sử dụng tác phẩm âm nhạc thông qua bản ghi âm, ghi hình trong các hoạt động kinh doanh, thương mại, đây là hành vi sử dụng quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng, là một quyền tài sản trong quyền tác giả. Tuy nhiên, đến nay nhiều đơn vị sử dụng nhạc nền trong hoạt động kinh doanh của mình như quán café, siêu thị, nhà hàng … vẫn không ý thức được sự vi phạm của mình hoặc cố tình trốn tránh thực hiện nghĩa vụ, vì vậy mà nhuận bút thu về cho tác giả trong lĩnh vực này gặp rất nhiều khó khăn. Dù các tác phẩm âm nhạc có sự đóng góp rất lớn trong hoạt động kinh doanh nhằm thu lợi nhuận của các đơn vị này, tuy nhiên các tác giả lại không được hưởng bất kỳ lợi ích nào, đó là sự bất công rất lớn cho sự sáng tạo của các tác giả.
Môi trường số
Sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã góp phần không nhỏ trong việc giúp tác phẩm đến gần với công chúng, tuy nhiên nó cũng tạo ra môi trường cho rất nhiều hành vi xâm phạm quyền tác giả. Tính mở của môi trường mạng khiến cho việc ai cũng có thể hoạt động, nên có rất nhiều hành vi vô ý hoặc cố ý xâm phạm đến các quyền tác giả do pháp luật quy định, những quyền tác giả thường xuyên bị xâm phạm đó là quyền sao chép và quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng. Bên cạnh những cá nhân do không hiểu rõ pháp luật, cũng có rất nhiều những cá nhân, tổ chức lợi dụng việc khó kiểm soát trên không gian mạng mà cố ý sử dụng tác phẩm âm nhạc để kiếm lợi nhuận. Đó có thể là các website, Apps âm nhạc, các nền tảng ứng dụng như Youtube, Tiktok, Facebook …
Trước tình trạng vi phạm quyền tác giả như vậy, với trách nhiệm của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả âm nhạc, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam VCPMC đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn, buộc các đơn vị vi phạm phải thực hiện nghĩa vụ và bồi thường thiệt hại.
Đối với hành vi chiếm đoạt quyền tác giả, VCPMC đã đại diện cho các tác giả làm việc với các bên liên quan để giành lại quyền sở hữu tác phẩm, ngăn chặn các bên liên quan khai thác các tác phẩm đó trái với ý chí của tác giả.
Với các vi phạm về chương trình biểu diễn âm nhạc, lĩnh vực nhạc nền, VCPMC đã kết hợp giữa việc cảnh báo vi phạm các đơn vị này, báo cáo vi phạm đến cơ quan nhà nước và khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền.
Với vi phạm trên môi trường số, VCPMC đã đàm phán và ký kết hợp đồng với các ứng dụng, nền tảng như Youtube, Facebook, các website nhạc, các ứng dụng nhạc trên nền tảng Spotify, Tiktok… để thu tiền nhuận bút, đồng thời được trao những công cụ và quyền để yêu cầu xử lý các đơn vị, cá nhân vi phạm trên các nền tảng này.
Dù pháp luật đã có những quy định cụ thể, sự nhận thức của người dân cũng tăng lên, đồng thời là sự nỗ lực của VCPMC và các tác giả thành viên nhằm ngăn chặn sự vi phạm, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều các tổ chức, cá nhân cố ý hay vô ý vi phạm các quyền tác giả được pháp luật bảo hộ trên rất nhiều lĩnh vực và hành vi khác nhau. Trước tình trạng đó, VCPMC mong muốn các thành viên của mình hiểu rõ và cương quyết hơn nữa để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, góp phần vào sự phát triển chung của pháp luật về quyền tác giả, cũng như sự phát triển chung của nền âm nhạc và đất nước.
Trong quá trình này, VCPMC sẽ luôn song hành cùng với các tác giả, sẵn sàng thực hiện trách nhiệm của mình do pháp luật quy định và sự ủy quyền của các thành viên để bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho thành viên, đồng thời góp phần tạo ra môi trường sáng tạo và hưởng thụ âm nhạc lành mạnh, thúc đẩy sự phát triển của âm nhạc Việt Nam.